I. Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả:
1. Xác định mục đích đọc sách.
Phương pháp đọc sách tuỳ thuộc vào mục đích và do mục đích quy định. Mục đích đọc sách sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách. Xác định được mục đích đọc sách sẽ giúp người đọc tránh được việc đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp người đọc lựa chọn cách đọc hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách. Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: “Đọc để làm gì?”. Từ đó mới trả lời được câu hỏi: “Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?”.
Mục đích đọc sách còn quyết định cả phương hướng khai thác các vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ, khi đọc sách Sáng Thế Ký, sách đầu tiên của Kinh Thánh, bạn muốn biết nguồn gốc muôn loài vạn vật, những nhân vật trong sách, hoặc lịch sử thế giới và dân Do Thái, hay mục đích nghiên cứu về Thần học để hiểu biết Đấng Tạo Hóa, hoặc đơn giản là tìm hiểu những câu chuyện được ký thuật trong sách Sáng Thế Ký… Vì vậy, xác định rõ mục đích đọc sách là việc quan trọng đầu tiên đối với mỗi chúng ta.
2. Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách.
Bạn cần đọc trang đầu và trang cuối của cuốn sách để biết: Tên cuốn sách; Tên tác giả; Tên nhà xuất bản; Năm xuất bản; Lần xuất bản.
Có người vừa đọc xong một cuốn sách hay sau đó gặp bạn thân và trò chuyện huyên thuyên với người bạn này về quyển sách đó. Nhưng khi người bạn hỏi tên cuốn sách và tên tác giả để tìm đọc, thì lại không nhớ. Bạn có rơi vào tình trạng này bao giờ chưa? Nếu có thì chắc chắn là bạn đã bỏ qua thao tác tưởng chừng không quan trọng ở bươc 2. Những thông tin này còn rất tiện lợi khi đi mua sách và tìm sách trong thư viện. Người đọc có thể cung cấp những thông tin về cuốn sách cần tìm cho nhân viên nhà sách hoặc thủ thư, và họ sẽ giúp bạn tìm cuốn sách đó một cách dễ dàng.
3. Xem mục lục sẽ biết nội dung.
Mục lục cuốn sách cho biết dàn ý chung và nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp người đọc giải đáp được câu hỏi: “Cuốn sách có những nội dung gì, được sắp xếp theo trật tự nào?”.
4. Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu.
Bạn cần đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết người viết đề cập đến nội dung gì và cuốn sách này dành cho đối tượng nào. Lời nói đầu là do tác giả cuốn sách viết. Qua đó, người đọc dễ dàng hiểu được ý muốn của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng; mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày.
5. Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách.
Mục đích của việc xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách nhằm nắm được nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời, qua lời kết luận và tóm tắt, người đọc biết được các vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, định hướng phát triển trong tương lai. (Theo nguyên tắc, tác giả phải viết lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. Nhưng hiện nay một số tác giả bỏ qua công việc này).
6. Đọc một vài đoạn.
Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, người đọc trực tiếp tìm hiểu nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn mình thích và có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau.
7. Đọc thực sự.
Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, người đọc cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi người đọc phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và kĩ năng đọc của mỗi người. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện thông qua cách đọc.
Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung trong cuốn sách. Với những người có năng khiếu, chỉ cần đọc lướt đã nắm được ý chính, cái mình cần… Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc nhằm tìm hiểu một vấn đề cụ thể đã được chuẩn bị, cần làm rõ; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho cùng một vấn đề.
Đọc có trọng điểm – từng phần: Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã lựa chọn từ trước nhằm tập trung công sức và thời gian cho những nội dung cần thiết.
Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ sót trang, cũng không dừng lại suy ngẫm ở một nội dung cụ thể mà chỉ nắm xem điều đó đã được đề cập đến ở mức độ nào. Với các cuốn sách mình chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị…
@ Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc: Đọc sách có hiệu quả thể hiện ở kết quả ghi chép. Ghi chép trong quá trình đọc sách sẽ tăng cường được sự chú ý, giảm mệt mỏi; Ghi chép còn giúp người đọc kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu.
* Sách là Thầy giáo và là Bạn thân.
II. Phương Pháp Tóm Lược Sách Hiệu Quả:
Đọc và tóm lược sách là những phương thức thu thập thông tin của con người. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và phát triển, theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi chuyên gia làm việc trong ngành chuyên môn hẹp, hàng ngày phải đọc 1.400 trang tài liệu về các vấn đề cần thiết mà chuyên gia đó cần tìm hiểu để nắm nội dung của sách/văn bản. Các nhà khoa học cho rằng trong 20 năm gần đây, số tri thức loài người sản sinh ra chiếm khoảng 2/3 tổng số tri thức loài người tích lũy được từ lúc khai sinh cho tới nay, đồng thời dự báo trong 20 năm cuối thế kỉ này sẽ hình thành một khối lượng các nghiên cứu khoa học bằng cả những gì mà loài người thu thập được trước đó.
1. Kỹ Năng Tóm Lược Sách: Tóm tắt là ghi lại những ý cơ bản, những dẫn chứng minh họa đã được chứng minh trong bài đọc. Trong sách giáo khoa mỗi câu, mỗi đoạn đều có một hoặc nhiều từ khóa quan trọng quyết định đến tư tưởng, nội dung của toàn sách. Do đó, các bạn phải phát hiện, nhận dạng nhanh và ghi nhớ thật chi tiết những từ khóa. Chính vì vậy, các bạn không cần phải đọc hết câu hay đoạn mà vẫn có thể tóm tắt được ý chính. Để có khả năng tóm tắt được những từ khóa quan trọng, các bạn phải đọc thường xuyên và tạo cho mình thói quen nhận diện từ khóa để khu biệt các nhóm ý, tổng hợp các ý trong mỗi nhóm. Việc tóm lược tài liệu có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất đầy đủ của nội dung. Dạng tóm tắt đầy đủ là phải ghi lại một cách ngắn gọn toàn bộ các thông tin và sự kiện với những đoạn văn hoàn chỉnh (chứ không phải gạch đầu dòng ghi ý chính một cách rời rạc). Dạng tóm tắt đơn giản là các bạn chỉ ghi tóm tắt những điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất, những nội dung còn lại chỉ ghi dưới dạng đề cương, nêu tên các vấn đề… Với phương pháp này, các bạn có thể gạch dưới hay ghi chú những ý cần thiết, quan trọng và có thể tóm ý mỗi chương, mỗi đoạn hoặc mỗi trang sau khi đọc.
2. Kỹ năng Phân chia Nội dung: Kỹ năng này đòi hỏi các bạn cần phải biết xác định được vấn đề cốt lõi của quyển sách, những khía cạnh mang tính bản chất xung quanh nội dung chính. Các bạn phải định dạng được những ý cơ bản của vấn đề đã đọc, muốn vậy khi đọc phải luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng để đối chiếu, so sánh. Để làm tốt phân đoạn này các bạn cần lĩnh hội có phê phán những kiến thức, những tư tưởng… biết phân tích, xem xét những thông tin quyển sách truyền tải nhằm đánh giá, phân loại, tách nội dung, thiết lập mối quan hệ giữa chúng. Sau đó, các bạn sắp xếp, đặt tên tiêu đề cho từng phần, đoạn đã đọc sao cho tên các đề mục phản ánh được ý chính. Phương pháp này tạo nền tảng thuận lợi cho kỹ năng phân loại tài liệu vì phân loại tài liệu được dựa trên cơ sở tiến hành phân chia nội dung, cấu trúc logic của bài đọc. Trong bài đọc có những luận điểm, ý tưởng cơ bản và những dẫn chứng chứng minh cho các vấn đề đó. Cho nên, phải biết phân biệt những thành phần, nội dung để phân loại, trích ghi tài liệu cho chính xác để khi cần có thể lục tìm nhanh chóng trong danh mục đã phân chia.
3. Kỹ năng Trích ghi: Các bạn không phải lúc nào cũng có thể nhớ hết những thông tin, tri thức đã đọc. Vì vậy ghi chép là thao tác quan trọng khi đọc sách, giúp các bạn ghi nhớ sâu hơn những nội dung, kiến thức đã đọc. Trích ghi là ghi lại nguyên văn những từ, những câu văn, câu thơ, ý tưởng, những đoạn trong tài liệu, trong đóng mở ngoặc kép hoặc ghi tóm tắt chương, mục… để khi cần có thể dẫn chứng làm tăng thêm tính thuyết phục của những luận điểm trình bày, chứng minh. Kỹ năng này đòi hỏi các bạn phải ghi chép một cách cụ thể, khoa học như: Nội dung, tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang,… Các bạn nên tạo thói quen ghi chép sẽ giúp mình nhớ lâu hơn và tóm lược sách nhanh hơn là chỉ đọc cho xong!
4. Bí Quyết Tóm Lược Sách Nhanh và Hay:
Thí dụ bạn đang tóm lược quyển sách có 5 chương (5 phần) thì có thể tóm lược thế này:
Với 100 trang được trình bày trong tác phẩm…. Tác giả … đã chia thành 5 chương với nội dung chính rất cần thiết và hữu ích cho độc giả và chính tôi cũng nhận được nhiều bài học quý báu.
Tác giả đã dành trọn chương 1 để nói về …
Nội dung của chương 2, được bàn đến…
Trong chương 3, người viết trình bày…
… (viết xong đoạn văn hoàn chỉnh và câu cuối cùng ghi: đó là nội dung chính của chương 4.
Chương cuối cùng trong tác phẩm… Mục sư (Giáo sư Tiến sĩ)… đã cung cấp cho người đọc những bài học vô cùng ích lợi về …
@ Thường đọc và tóm lược sách xong phải viết thêm 1 trang cuối để nhận định (phê bình) về tác phẩm. Phần này khen trước, góp ý nhẹ nhàng sau, quan trọng là chúng ta tâm tình cho mọi người biết mình đã học được điều gì qua quyển sách của tác giả này.
Tổng hợp & Biên soạn
MS.TS.Bùi Văn Cường
Youtube: Trường VTU-VTS
FB: Trường Online (@DaiHocVTU)