GIỚI THIỆU SÁCH TRUYỀN ĐẠO

Môn học: TÌM HIỂU CỰU ƯỚC
(CỰU ƯỚC LƯỢC KHẢO)

*Quý 4/2021: Học Truyền Đạo & Nhã Ca
Sống & Yêu (Tình Yêu & Cuộc Sống)

1. Chủ đề: BÀN LUẬN về CUỘC SỐNG

2. Trước giả: Người viết sách Truyền Đạo tự xưng là “con trai của Đa-vít” và “vua tại Giê-ru-sa-lem” (Truyền Đạo 1:1; 1:12), ông tuyên bố có nhiều của cải cùng sự khôn ngoan (Truyền Đạo 2:1-11; 1:13; 1Các vua 4:20-34; 10:1). Để đáp ứng lời cầu nguyện khiêm nhường của Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời hứa ban cho ông cả sự khôn ngoan, sự giàu có (1Các vua 3:3-15) và Ngài đã giữ lời hứa. Ngoài ra, 12 lần trong sách Truyền đạo, tác giả đề cập “vua” và ông đề cập thường xuyên những vấn đề về “thói quan liêu” (Truyền Đạo 4:1-3; 5:18; 8:11; 10:6-7). Cũng có vài câu ngụ ý khác nói về việc một người khác đã viết cuốn sách này sau khi Sa-lô-môn qua đời, có thể là mất vài trăm năm sau đó. Nhưng mọi người thường tin rằng Sa-lô-môn mới là trước giả của sách này.

Sa-lô-môn có thể đã viết sách Châm ngôn (Châm Ngôn 1:1; 1Các vua 4:32) và Nhã ca (Nhã Ca 1:1) suốt những năm ông trung tín bước đi với Đức Chúa Trời. Nhưng gần cuối đời ông viết sách Truyền Đạo. Không có ghi chép nào cho thấy Sa-lô-môn đã ăn năn và trở lại với Chúa, nhưng sứ điệp của ông trong sách Truyền Đạo gợi ý rằng ông đã hối cải. Ông viết sách Châm ngôn theo quan điểm của một giáo sư khôn ngoan (Châm Ngôn 1:1-6) và sách Nhã ca theo quan điểm của một vị vua đang yêu (Nhã Ca 3:7-10). Nhưng khi viết sách Truyền Đạo, ông tự xưng là “Người truyền đạo” (Truyền Đạo 1:1-2, 12; 7:27; 12:8-10). Nói lên một người từng trải với cuộc sống, một người trưởng thành, một người hiểu biết và kinh nghiệm để giúp đỡ và truyền đạt những gì mình từng trải qua cho thế hệ mai sau.

3. Người nhận: Dân Y-sơ-ra-ên
(Và chúng ta ngày nay).

4. Niên đại: Thời trị vì dân Do Thái của vua Sa-lô-môn kéo dài từ năm 970 đến 930 TCN. Sách Truyền Đạo có thể được viết về thời kỳ cuối trị vì của vua Sa-lô-môn, khoảng năm 935 TCN.

5. Những câu Kinh thánh then chốt:

Truyền Đạo 1:2 “Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, Hư không của sự hư không! Tất cả đều hư không.”

Truyền Đạo 2:11 “Rồi ta ngẫm nghĩ mọi việc tay mình đã làm, và những lao khổ mình đã chịu để làm các công việc ấy; kìa, mọi điều đó là sự hư không, theo luồng gió thổi, và chẳng ích lợi gì cả dưới mặt trời.”

Truyền Đạo 4: 9 Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. 10 Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên! 11 Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? 12 Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt.

Truyền Đạo 11: 9 Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.

Truyền Đạo 12:1 “Trong tuổi thanh xuân, Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của con, trước khi những ngày gian truân ập đến; Trước khi những năm tháng đến gần mà con nói rằng: “Tôi không thấy thỏa lòng.”

Truyền đạo 12: 13 Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. 14 Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy.

6. MỤC ĐÍCH:

Sách Truyền Đạo nói về quan điểm hay là về cách nhìn trong CUỘC SỐNG. Bài viết của “Người Truyền Đạo” (Giảng Sư) bày tỏ sự thất vọng chán nản là kết quả không thể tránh khỏi khi tìm kiếm hạnh phúc từ thế gian vật chất này. Sách này giúp cho người Do Thái, Cơ-Đốc Nhân và độc giả… có cơ hội để thấy thế giới qua đôi mắt của một người cho dù rất khôn ngoan, giàu có, quyền thế… nhưng vẫn đang cố gắng tìm kiếm ý nghĩa trong sự tạm bợ trần thế. Hầu hết các thú vui trần gian đã được tìm kiếm bởi người viết, nhưng không có gì mang lại ý nghĩa cho những người chỉ sống chú trọng vào thế gian tạm thời này. Cuối cùng, người Truyền Đạo nhấn mạnh đến việc tin thờ Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa yêu thương và công bình là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình. Người quyết định thừa nhận sự thật rằng cuộc sống ngắn ngủi và không có giá trị gì cả nếu không có Chúa. Người Truyền Đạo khuyên người đọc tập trung vào Chúa đời đời thay vì thú vui tạm bợ của trần gian.

7. BỐ CỤC/DÀN BÀI:

CUỘC SỐNG VÔ NGHĨA
NẾU KHÔNG CÓ CHÚA

KT Nền Tảng: Truyền Đạo 1-12
Câu gốc: Truyền Đạo 12:13-14

I. Vấn đề được tuyên bố (1-2):

Người Truyền đạo nói: Đời nguời không đáng sống! Nên hãy suy nghĩ và xem xét.

1. Sự đơn điệu của đời người (1:4-11).
2. Sự hư không của đời người (1:12-18).
3. Sự vô ích của của cải (2:1-11).
4. Tính chắc chắn của sự chết (2:12-23).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (2:24).

II. Vấn đề được nhìn nhận (3-4):

Người Truyền đạo xem xét các lý luận trên và cho biết: Sự đơn điệu của đời người (3:1-5:9).

1. Hãy nhìn lên (3:1-8).
2. Hãy nhìn vào trong (3:9-14).
3. Hãy nhìn phía trước (3:9-14).
4. Hãy nhìn quanh (4:1-5:9).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (3:12-15, 22).

III. Vấn đề về của cải (5-6):

1. Đừng tham của cải (5:10-17).
2. Chúa ban phước thì sử dụng (5:18-20).
3. Hãy hưởng thụ của cải (5:18 – 6:12).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (5:18-20).

IV. Hãy sống khôn ngoan (7-8:17):

1. Hãy làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn (7:1-10)
2. Hãy nhìn cuộc đời rõ ràng hơn (7:11-18).
3. Hãy đối diện với cuộc đời mạnh mẽ hơn (7:19-8:17).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (8:15).

V. Vấn đề của sự chết (9-10:20):

1. Sự chết không thể tránh khỏi 9:1-10)
2. Cuộc đời không thể đoán trước (9:11-18)
3. Hãy coi chừng kẻ ngu dại (10:1-20).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (9:7-10)

VI. Vấn đề về Gieo và Gặt (11):

1. Hãy sống ban cho rộng rãi (11: 1-2).
2. Hãy gieo trong đức tin (11: 3-6).
3. Gieo/cho thì sẽ gặt/nhận (11:1-7).

* Hãy vui hưởng cuộc sống (11: 9-10).

VII. Vấn đề về Đức Tin/Tâm Linh (11-12):

1. Hãy sống bằng đức tin (11:1-7).
2. Hãy nhớ Đấng Tạo Hóa (11:9-12:8).
3. Hãy sửa soạn để gặp Chúa (12:9-14).

* Hãy tận hưởng cuộc sống có ý nghĩa trong Chúa yêu thương (Truyền Đạo 11-12).

8. NỘI DUNG CHÍNH:

Có 2 cụm từ được nhắc thường xuyên trong sách Truyền Đạo. Đó là từ “hư không” hay “vô nghĩa” được lặp đi lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh bản chất tạm thời của thế gian này; và đến cuối đời, cho dù là thành quả hay chiến tích ấn tượng thể nào thì tất cả đều bỏ lại phía sau. Cụm từ thứ hai là “dưới mặt trời” được viết 28 lần để nói về thế giới loài người trần tục. Khi người Truyền đạo nhắc đến “muôn vật dưới mặt trời”, người đang nói đến thế gian loài người tạm thời này.

Truyền Đạo 1-7 mô tả tất cả mọi thứ “dưới mặt trời” mà người Truyền đạo (và mọi người nói chung) cố gắng tìm kiếm để tìm sự thỏa mãn trong đó. Người cố gắng tìm kiếm khoa học (1:10-11), sự khôn ngoan và triết học (1:13-18), vui sướng (2:1), uống rượu (2:3), công trình kiệt tác (2:4), cơ nghiệp (2:7-8), sự xa hoa (2:8)… Người truyền đạo thay đổi cách suy nghĩ của mình đến với những triết lý khác nhau để tìm ý nghĩa. Thí dụ chủ nghĩa duy vật (2:19-20), và thậm chí là cả tiêu chuẩn đạo đức con người (Truyền đạo 8-9). Người thấy mọi thứ đều vô nghĩa, đây chỉ là niềm vui tạm bợ, không có Chúa thì không hề có mục đích hoặc sự trường tồn.

Truyền Đạo 8-12 trình bày những lời đề nghị và bình luận của người Truyền đạo về việc phải sống như thế nào. Người đến với kết luận rằng không có Chúa thì không có chân lý và ý nghĩa cho cuộc sống. Người đã chứng kiến nhiều sự gian ác và nhận ra rằng thậm chí sự thành đạt tốt nhất của loài người rốt cuộc không có giá trị gì cả. Vì thế, người Truyền đạo khuyên những người đọc nhận biết Chúa từ tuổi thanh xuân (12:1) và sống theo ý muốn của Ngài (12:13-14) đó là bổn phận/trách nhiệm của loài thọ tạo đối với Đấng Tạo Hóa.

9. CHÚA GIÊSU CHRIST LÀ CÂU TRẢ LỜI VÀ GIẢI PHÁP CHO CUỘC SỐNG THẾ NHÂN.

Chúng ta chỉ tìm thấy cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc thật sự trong Chúa Giêsu Christ. Vì trong thế gian đầy tội lỗi chỉ có sự hư không/vô nghĩa mà thôi. Theo Truyền Đạo 3:17, Chúa xét xử cả người công chính và kẻ gian ác, và những người cống chính chỉ là những người trong Chúa (2Cô-rinh-tô 5:21). Chúa đã đặt để sự khao khát về cõi đời đời trong tấm lòng chúng ta (Truyền Đạo 3:11) và đã cung cấp một Con Đường dẫn đến sự sống đời đời qua Chúa Giê-su Christ (Giăng 3:16). Chúng ta được nhắc nhở rằng việc theo đuổi sự thịnh vượng của thế giới này không chỉ là hư không bởi vì nó không thể thỏa mãn chúng ta được (Truyền đạo 5:10), nhưng cho dù chúng ta đạt được, không có Chúa thì cũng sẽ mất linh hồn và đâu là lợi ích khi chúng ta đạt được nó? (Mác 8:36). Cuối cùng, giải pháp mọi sự thất vọng và hư không mô tả trong sách Truyền Đạo chính là Cứu Cứu Thế (Đấng Mê-si-a/Đấng Christ) là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và ý nghĩa thật duy nhất cho cuộc sống.

10. ÁP DỤNG:

Sách Truyền Đạo giúp tuyển dân Y-sơ-ra-ên, Cơ Đốc Nhân và độc giả… hiểu biết sự trống rỗng và tuyệt vọng mà những người không biết Chúa nắm giữ. Những ai không có đức tin cứu chuộc vào Chúa Giêsu Christ đối diện với cuộc sống mà cuối cùng nó sẽ kết thúc và trở nên vô nghĩa. Nếu không có Chúa thì không có sự tha tội, không có sự cứu chuộc thì cũng sẽ không có ý nghĩa thật sự hoặc sự hướng dẫn cho cuộc sống. Thế giới “dưới mặt trời” không có Chúa sẽ chán nản, tàn ác, bất công, tội lỗi, chóng qua và “hoàn toàn vô nghĩa”. Nhưng có Chúa, cuộc sống chính là hình bóng của sự vinh hiển hầu đến ở trong nước Thiên đàng mà chỉ được vào thông qua Chúa Giêsu Christ.

Lời Kết:

“Cuộc đời trần thế tạm thời đó nhỉ,
Dù vinh quang phú quý hơn ai,
Trăm năm hưởng hết cõi đời,
Thiên Đàng là phước lâu dài về sau.”

Vậy, hãy chân thành ăn năn và tin nhận Chúa Giêsu để tội lỗi của Quý vị được tha và linh hồn được cứu. Khi có Chúa, chúng ta sống cuộc đời bình an, vui vẻ và có ý nghĩa. Nhất là có được sự sống vĩnh phúc trong Chúa yêu thương (Tin Lành Giăng 3: 6).

Emmanuel!
Tổng hợp & Biên soạn
MS.TS.Bùi Văn Cường
FB: HTTL Của Chúa Giêsu
Youtube: Trường VTU-VTS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *