SÁCH LÀ THẦY GIÁO – VỞ LÀ BẠN THÂN

Sứ đồ Phao-lô cũng là nhà Thần học vĩ đại, nói với học trò của mình rằng: “Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhất là những sách bằng giấy da” (2Ti-mô-thê 4:13).

Người trưởng thành và thành đạt thường là những người có nhiều thói quen tốt. Càng có nhiều thói quen tốt, người ta càng dễ thành công. Nhất là những người ham đọc, ham học, ham viết… Nếu để chọn một nhân vật trong thời Tân Ước để gọi là học giả, thì chắc chắn không ai qua được sứ đồ Phao-lô (ngoại trừ Chúa Giêsu Christ). Thời Cựu Ước có Môi-se, là vị lãnh tụ đầu tiên của dân tộc Do Thái.

Phao-lô là người Do Thái, thuộc chi họ Bên-gia-min, nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Tạt-sơ, thủ phủ của tỉnh Cicilia, thuộc Tiểu Á (nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ). Phao-lô có vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi.

Lúc nhỏ ông học dưới chân một giáo sư danh tiếng nhất Do Thái bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công Vụ 22:3). Phao-lô được đào tạo để trở thành một luật sư, một thầy thông giáo. Halley kết luận rằng: “Không còn nghi ngờ chi nữa ông Phaolô có một cá tánh mạnh mẽ, xuất chúng, về toàn diện ông là bậc vĩ nhân tột bậc từng sống trên đất này, chỉ trừ ra Chúa Giêsu.”

Chỉ riêng thư Rô-ma do Sứ đồ Phao-lô viết, nếu so sánh về ngôn ngữ, cú pháp, văn phong, điển tích, trích dẫn KT Cựu Ước, các lẽ đạo, tín lý, Rô-ma gần giống như là một sách Phúc Âm hơn là một thư tín. Dù không được gặp trực tiếp với Chúa Giêsu như 12 sứ đồ trong khi Chúa còn tại thế… Nhưng Chúa Giêsu đã hiện ra bắt phục Phao-lô tin theo Chúa và dạy riêng cho ông… nên ông mới trở thành một sứ đồ đặc biệt như vậy (Ga-la-ti 1:12). Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em… (1Cô-rinh-tô 11: 23).

Kinh Thánh Cựu Ước có 39 sách, Tân Ước có 27 sách, nhưng Sứ đồ Phao-lô đã viết tới 14 sách. Thiên Chúa đã thương xót giải cứu ông và ông đã nhận và học Tin Lành từ chính Chúa Giêsu. Chúa đã dẫn dắt ông qua xứ A-ra-bi, ở đó ba năm và được Đức Thánh Linh dạy dỗ. Việc học của ông thật là rộng lớn, đương thời không ai sánh nổi.

Phao-lô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ông thuộc lòng Kinh Thánh của người Do Thái, tức là bộ Cựu Ước.

Kiến thức uyên bác, giao tiếp nhiều người, truyền giáo nhiều nơi; bất kể người nào, nơi nào, có dịp tiện là ông biện luận về Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta hãy đọc những thư tín của Phao-lô như: Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se thì thấy cách ông biện giáo; vừa nói cho người Do Thái biết về Đấng Christ, vừa giảng giải cho người ngoại biết về Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Mặc dù bận rộn rất nhiều việc, đi truyền giáo và mở mang Hội Thánh rất nhiều nơi, bị chính những người Giu-đa bắt bớ, chính quyền truy nã, lùng sục, nhưng Phao-lô vẫn không nãn chí sờn lòng. Chúa nâng đỡ, khích lệ và ban sức mới cho ông. Bị bắt bớ thì Chúa giải cứu. Tới chân tường thì Chúa mở đường. Ông thật can đảm và mạnh mẽ, vì Chúa ở trong ông nên ông sẵn sàng tận hiến cuộc đời còn lại của mình để phục vụ Chúa.

Dù bận đến đâu, vất vả như thế nào, nguy hiểm ra sao, Phao-lô vẫn quan tâm đến sách vở. Nên ông nói với Ti-mô-thê: “Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhất là những sách bằng giấy da” (2Ti-mô-thê 4:13).

Càng học càng thấy mình càng dốt. Học không chưa đủ; đọc sách mãi vẫn thiếu; đi nhiều vẫn không hết chỗ rộng lớn trên thế giới; quen biết và giao tiếp với nhiều người thì học cái khôn của họ, vẫn thấy chưa đủ. Chúng ta cần phải viết nữa. Khi viết chúng ta sẽ thấy rõ kiến thức của mình đến đâu.

Sứ đồ Phao-lô viết nhiều thư tín gởi các hội Thánh và những cá nhân. Tư tưởng của Phao-lô ảnh hưởng đậm nét trên thần học Cơ-Đốc giáo trong những lãnh vực như: Kinh Thánh học, Nhân loại học, Tội lỗi học, Đức tin, sự xưng công chính, sự cứu rỗi, mối quan hệ giữa Cơ-Đốc giáo và luật pháp Môi-se, Đấng Christ học, Thánh Linh học, Hội Thánh học, Lai thế học và bản chất của đời sau, cũng như vị trí của Kinh Thánh Do Thái trong Cơ-Đốc giáo.

Môn đồ của Chúa Giêsu không chỉ chân thành ăn năn tội lỗi mình đã phạm, thật lòng cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giêsu làm Cứu Chúa, làm Chủ đời sống mình, trung tín theo Chúa mà còn phải chịu học Kinh Thánh để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và sống kết quả cho nhà Chúa nữa… Chúng ta học Lời Chúa để biết đúng sai, đứng vững trong đức tin để không mắc mưu ma quỷ vì thời kỳ sau rốt có nhiều tà giáo, dị giáo nên Sứ đồ Phao-lô dạy rằng: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Chúa Giêsu Christ, mà bắt anh em phục chăng?” (Cô-lô-se 2:8).

Phao-lô cũng khuyên trong 2Ti-mô- thê 4: 1 Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: 2 hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.

Chính vì việc học và dạy Kinh Thánh rất quan trọng và cần thiết như thế, nên chúng ta hãy quan tâm đến những điều ích lợi ở trên và theo gương hiếu học, siêng năng nghiên cứu và viết sách của sứ đồ Phao-lô để sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh: ham đọc, ham học, ham viết, ham diễn thuyết (làm chứng và giảng dạy Lời Chúa). Amen!

Emmanuel!
MS.Bùi Văn Cường
ĐT: 0933 777 240
Youtube: Trường VTU-VTS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *